Một phòng thí nghiệm ở Singapore đã nghiên cứu công nghệ nuôi tôm từ tế bào gốc có khả năng làm “đứt gãy” ngành công nghiệp nuôi tôm thế giới thiếu bền vững hiện nay.

Thị trường trăm tỷ USD

Đây là khởi nghiệp của hãng thực phẩm Shiok Meats, do các nhà khoa học Sandhya Sriram và Ka Yi Ling phát triển tôm và hải sản dựa trên tế bào gốc, như một phần của cuộc cách mạng toàn cầu mới trong sản xuất protein.

Đồng sáng lập của Shiok Meats, Ka Yi Ling (phải) và Sandhya Sriram đang phát triển tôm và hải sản dựa trên công nghệ tế bào. Ảnh: Meats Shiok

Đồng sáng lập của Shiok Meats, Ka Yi Ling (phải) và Sandhya Sriram đang phát triển tôm và hải sản dựa trên công nghệ tế bào. Ảnh: Meats Shiok

Nông nghiệp tế bào hiện đang được coi là tương lai của nền thực phẩm, khi các ngành công nghiệp đều tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nền nông nghiệp truyền thống. “Xu thế ngày càng nhiều doanh nghiệp thủy sản sử dụng thực vật để sản xuất hải sản nhân tạo, trong khi chúng tôi thì sử dụng tế bào gốc để chế ra hải sản thật sự bởi chúng tôi không ủng hộ các thuật ngữ như ‘nhân tạo’, ‘giả mạo’ hoặc ‘nuôi trồng trong phòng thí nghiệm’”, bà Sriram tiết lộ.

“Sản phẩm tôm bằm đang mở ra thị trường lớn và chúng tôi đang coi đây là ưu tiên bởi tôm nuôi tế bào gốc được chế biến từ ​​nguồn nuôi trong nước, không chứa kháng sinh. Lợi thế lớn tiếp theo là giảm chi phí – một vấn đề mà nhiều người khởi nghiệp trong lĩnh vực thịt nhân tạo đang phải đối mặt.

Theo bà Sriram, sự bền vững chính là một lợi thế lớn của ngành công nghiệp thực phẩm nhưng chưa hết nó còn sạch, không có kháng sinh, kim loại nặng và hạt nhựa hoặc sự đối xử tàn ác với động vật.

Hiện công ty khởi nghiệp này đang đặt mục tiêu bắt đầu bán sản phẩm đầu tiên là bánh bao nhân tôm tế bào gốc tại Singapore vào cuối năm sau và sẽ mở rộng thị trường sang Hồng Kông, Ấn Độ và Úc.

Bà Sriram cho biết, hiện chi phí để sản xuất ra 1 kg tôm hết 5.000 USD nhưng với sự đầu tư nghiên cứu và phát triển sâu hơn nữa, công ty đặt mục tiêu sẽ giảm chi phí xuống còn 50 USD.

Đến nay Shiok Meats không phải là công ty duy nhất phát triển protein thay thế, lĩnh vực mà các nhà phân tích thuộc ngân hàng đầu tư Barclays dự đoán có trị giá 140 tỷ USD vào năm 2029.

Trước đó đã xuất hiện các sản phẩm thịt chay của các hãng Beyond Meat, Omnimeat và Impossible Foods được bày bán ở nhiều nơi trên thế giới. Sự gia tăng của các sản phẩm thịt chay thời gian qua phần nào phản ánh mối quan tâm của người tiêu dùng về sức khỏe trước cảnh báo về tiêu thụ thịt đỏ có nguy cơ mắc các bệnh mỡ máu cao và tim mạch cũng như phá hủy môi trường do chăn nuôi quá mức.

Một người nuôi tôm ở Sundarbans, Bangladesh.  Ảnh: Getty Images

Một người nuôi tôm ở Sundarbans, Bangladesh.  Ảnh: Getty Images

Hiện nông nghiệp tế bào đang thu hút sự quan tâm rất lớn trên toàn thế giới. Tiêu biểu là nhiều công ty tên tuổi nhảy vào như BlueNalu ở California (Mỹ) đang tiến hành nuôi cá philê từ tế bào hay hãng Avant Meats ở Hồng Kông đang tiến hành nghiên cứu các sản phẩm protein cá và hải sản dựa trên công nghệ này để ương nuôi cá dìa để lấy bong bóng, nguyên liệu để chế biến các món đặc sản trong ẩm thực Trung Hoa.

Israel vẫn được coi là quốc gia tiên phong trong cuộc cách mạng thịt sạch với bốn công ty khởi nghiệp đình đám gồm SuperMeat, Future Meat Technologies, Aleph Farms và BioFood Systems hiện cũng đang nỗ lực chạy đua nhằm tạo ra nguồn thịt của tương lai.

Cuộc cách mạng mới

Ông David Baker, phó giáo sư khoa Sinh học của Đại học Hồng Kông cho biết, nông nghiệp tế bào hiện là ngành rất thú vị và có tiềm năng tạo ra cuộc cách mạng hóa trong sản xuất thực phẩm. Ngoài các ưu thế như đã nêu ở trên, nông nghiệp tế bào không nhữn góp phần phục hồi môi trường qua việc giảm sử dụng đất cũng như hóa chất trong sản xuất mà còn có thể phục hồi môi trường tự nhiên và tái tạo, cân bằng hệ sinh thái, cải thiện sức khỏe con người.

Công ty đặt mục tiêu sẽ bán sản phẩm đầu tiên là bánh bao tôm tại Singapore vào cuối năm tới. Ảnh Meats Shiok

Công ty đặt mục tiêu sẽ bán sản phẩm đầu tiên là bánh bao tôm tại Singapore vào cuối năm tới. Ảnh Meats Shiok

Theo Tổ chức Lương nông của Liên Hợp Quốc (FAO), ngành công nghiệp thực phẩm dựa vào công nghệ tế bào có khả năng phá vỡ ngành công nghiệp nuôi trồng thủy hải sản truyền thống hiện nay. Nó có thể tạo ra khoảng 135 tỷ USD doanh thu xuất khẩu hằng năm, cung cấp việc làm hoặc thu nhập cho khoảng 1/10 người và là chiếm giữ 17% nguồn cung của tất cả các loại protein động vật trên toàn thế giới.

Tính toán của FAO, dân số thế giới sẽ tăng lên gần 10 tỷ người vào năm 2050 sẽ gây ra một áp lực rất lớn cho các đại dương và nguồn hải sản hoang dã bởi theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF), khoảng 90% các nghề cá thương mại hiện nay đang bị khai thác quá mức khiến môi trường bị đe dọa.

Ông Baker nói: “Ngành công nghiệp thủy sản phụ thuộc vào đánh bắt được kiểm soát kém đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng về nguồn lợi thủy sản cùng với những quan ngại về nạn cướp biển, xung đột ngư trường và lao động cưỡng bức, buôn người trá hình trong ngành thủy sản cũng cần phải được xem xét”.

Nhu cầu thủy hải sản tăng cao đang gây áp lực lớn lên các đại dương và môi trường.  Ảnh: Shutterstock

Nhu cầu thủy hải sản tăng cao đang gây áp lực lớn lên các đại dương và môi trường.  Ảnh: Shutterstock

Hồi năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế có trụ sở tại Jakarta (Indonesia) đã công bố một nghiên cứu cho thấy, phí tổn môi trường khổng lồ từ ngành công nghiệp nuôi tôm. Tổ chức phi lợi nhuận này đã dành 7 năm để nghiên cứu các khu rừng ngập mặn từ Đông Nam Á đến Trung Mỹ và đưa ra kết luận: Quá trình tạo ra một kg tôm nuôi phát thải ra một lượng khí thải nhà kính cao gần gấp bốn lần một kg thịt bò.

WWF cũng cho biết, hệ sinh thái rừng ngập mặn có tầm quan trọng về sinh thái và kinh tế khi nó cung cấp sinh kế cho khoảng 100 triệu người dân trên thế giới. Nó giúp duy trì hệ sinh vật biển và động vật có vú trên cạn, bảo vệ bờ biển khỏi bão tố và còn giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ carbon dioxide, khí nhà kính chính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ngành tôm toàn cầu đang lộ ra những vấn đề phát triển thiếu bền vững.  Ảnh: Shutterstock

Ngành tôm toàn cầu đang lộ ra những vấn đề phát triển thiếu bền vững.  Ảnh: Shutterstock

Ông Baker cho biết, chính những tác động tiêu cực của nông nghiệp thâm canh và nghề cá hiện đại đã thôi thúc nông nghiệp tế bào trở thành một sự thay thế hấp dẫn. Hơn nữa xu thế là người tiêu dùng trong tương lai sẽ ngày càng chú ý và quan tâm đến việc phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như điều kiện sản xuất ra các nguồn thực phẩm mà họ sử dụng được làm ra như thế nào.


source

Leave a Comment

Your email address will not be published.