Phát triển kinh tế – xã hội luôn gắn liền với bảo vệ thiên nhiên, môi trường luôn đặc biệt quan trọng với Việt Nam.
Phát triển kinh tế – xã hội luôn gắn liền với bảo vệ thiên nhiên, môi trường luôn đặc biệt quan trọng với Việt Nam, đất nước chịu nhiều tác động từ thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Mặt trái đằng sau sự phát triển
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế – xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh. Đáng lo ngại, các sự cố môi trường tiếp tục gia tăng nghiêm trọng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và khắc phục hậu quả.
Ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5) đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tâm lý bất an và lo lắng cho nhân dân. Đặc biệt số người tử vong vì ô nhiễm không khí trên thế giới và Việt Nam đang có xu hướng tăng.
Cuối năm 2020 đầu năm 2021 chỉ số AQI liên tục chuyển đỏ, tím tại một số thành phố lớn và địa phương có nhiều nhà máy hoạt động. Bên cạnh đó, ở một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, khi gia tăng các nguồn phát thải vào không khí kết hợp với các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù đã làm cho tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn.
PGS. TS Lưu Thế Anh – Viện TN&MT, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, những nguyên nhân gây suy thoái môi trường ở nước ta thời gian qua, trước hết là do quy mô nền kinh tế và dân số nước ta ngày càng tăng, mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng cao; Khai thác tài nguyên thiên nhiên ồ ạt và thiếu kiểm soát, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chất thải còn thiếu và không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến các áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường, nhất là dẫn đến suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
TS Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cho biết, trong thời gian tới, tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến nền kinh tế Việt Nam có thể diễn ra mạnh mẽ và nghiêm trọng hơn.
Ngoài những tác động gián tiếp như làm giảm khả năng sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống của dân cư, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như nguồn thu của ngân sách.
Thuận thiên để phát triển bền vững
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho hay, trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt, phát triển kinh tế không thể đơn thuần mà phải gắn với bảo vệ môi trường, để cho cuộc sống của mỗi người dân được tốt lên. Phải phấn đấu làm sao để “kinh tế xanh” thay cho “kinh tế nâu” đây cũng chính là thông điệp mà Chính phủ đang hướng tới.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến giải thích thêm: “Kinh tế xanh có nhiều định nghĩa khác nhau, tuy nhiên cùng chung mục tiêu hướng đến một nền kinh tế không có chất thải. Để hướng đến kinh tế xanh, các nước đi một bước trung gian là kinh tế tuần hoàn. Và đương nhiên, kinh tế tuần hoàn lấy càng ít nguyên nhiên vật liệu từ tài nguyên càng ít càng tốt, quay vòng quy trình sản xuất và tiêu dùng, quay lại quy trình sản xuất càng nhiều càng tốt. Đó được hiểu là nền kinh tế tuần hoàn”.
Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế – xã hội cũng được nhiều chuyên gia đề cập như giải pháp đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững trong tương lai.
Việt Nam đã có bài học từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về môi trường, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở đây đang ngày càng ảnh hưởng nặng nề tới quá trình sản xuất nông nghiệp.
Năm 2017, Chính phủ đã triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP (còn gọi là Nghị quyết “thuận thiên”) để đưa Đồng bằng sông Cửu Long từng bước vượt qua được thách thức của thiên nhiên đưa tới.
Hơn 3 năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.
Từ đó, Đồng bằng Sông Cửu Long đã chuyển mình mạnh mẽ với những tiến bộ trong cả tư duy lẫn hành động, chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; Sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 (trong 2 năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%).
Hiện TP.Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cũng đang thay đổi từ duy phát triển nông nghiệp theo hướng thuận thiên mang lại lợi ích kép, vừa gia tăng giá trị canh tác, vừa góp phần giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Đơn cử như một số mô hình canh tác tận dụng và xử lý 100% chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt để tái sử dụng hiệu quả đã góp phần to lớn vào bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Khi TP.Hà Nội thực hiện quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, lãnh đạo thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị phải triển khai dựa trên nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông làm mục tiêu hàng đầu, không chất tải công trình 2 bên sông.
Nguyễn Thu