Với mong muốn giúp nông dân nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất thông qua sử dụng máy móc, thiết bị cơ khí để thay thế sức người, hơn 20 năm qua, thợ cơ khí Đặng Trần Hải Lâm (ấp Long Thạnh, xã Long Hưng, thị xã Gò Công) đã sáng tạo ra hàng ngàn nông cụ hữu ích đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của nông dân tỉnh Tiền Giang cùng các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thợ cơ khí Đặng Trần Hải Lâm bên cạnh nông cụ thực hiện theo đơn hàng.
|
Anh Lâm cho biết, tốt nghiệp Trường Trung cấp kỹ thuật Long An chuyên ngành cơ khí sửa chữa ô tô, sau khi bôn ba với nghề một thời gian, anh nhận thấy lĩnh vực cơ khí phục vụ nông nghiệp tiềm năng còn rất lớn. Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống gắn bó với nghề nông (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây), hiểu được những cơ cực của nông dân (sử dụng lao động cơ bắp là chủ yếu), từ đó, anh quyết định thuê mặt bằng tại xã Long Hưng để mở cơ sở sản xuất nông cụ các loại nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất lúa, canh tác rau màu…
Đầu tiên, anh Lâm nghiên cứu các thiết bị, máy móc mà nông dân có thể sử dụng để thay thế lao động cơ bắp như: Máy xới, máy làm mương, máy đào rãnh nước ruộng, máy đắp bờ, dàn xới cho máy kéo… và mô phỏng hay thiết kế lại theo ý tưởng của mình nhằm đảm bảo 02 tiêu chí quan trọng là hiệu quả sử dụng cao nhưng giá thành phù hợp với túi tiền của nông dân.
Theo anh Lâm, do sản phẩm của cơ sở sản xuất đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nông dân nên thị trường không ngừng được mở rộng. Tính đến nay, sản phẩm của cơ sở đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau… Điểm đặc biệt về các sản phẩm nông cụ do cơ sở của anh Lâm sản xuất là luôn đảm bảo chất lượng, vận hành hiệu quả nhưng giá bán chỉ bằng 1/3 – 1/2 so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Mỗi năm, cơ sở của anh Lâm sản xuất hàng trăm nông cụ theo đặt hàng của khách hàng như: Máy đào rãnh nước hay mương ruộng (30 máy, giá bán 18 triệu đồng/máy); máy xới đất cầm tay (100 máy, giá bán 8,5 triệu đồng/máy); máy làm mương gò (70 – 80 máy, giá bán 08 triệu đồng/máy); bánh lồng máy xới (40 cặp, giá bán 11 – 13 triệu đồng/cặp)… trong đó, máy xới đất cầm tay rất được khách hàng ưa chuộng do tính tiện dụng (có thể vận hành trên diện tích hẹp, một người có thể vận hành dễ dàng), giá cả hợp lý và công suất xới khá cao (mỗi giờ có thể xới được 300 – 400m2 đất). Ngoài các sản phẩm trên, anh Lâm còn có thể sản xuất nhiều nông cụ khác theo đặt hành của nông dân, khách hàng ở trong và ngoài tỉnh.
Lý giải về lý do các sản phẩm nông cụ do cơ sở sản xuất có giá bán khá cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, anh Lâm cho biết, do cơ sở đầu tư đầy đủ các trang thiết bị như: Máy tiện, máy hàn, máy phay, máy bào, máy trui điện (tăng độ cứng cho bề mặt kim loại như bánh răng, trục cạc-đăng) và tự chế một số thiết bị khác như: Thiết bị ép (tải trọng 50 tấn), thiết bị uốn cong kim loại (làm các chi tiết dạng cong, tròn, bánh lồng…), thiết bị dập thép chữa V, chữa U… nên có thể tự gia công các chi tiết cần thiết mà không phải thuê mướn, giúp hạ giá thành sản xuất.
Cơ sở của anh Lâm hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 04 lao động với mức thu nhập từ 08 – 10 triệu đồng/người/tháng. Anh Lâm cũng đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động có tay nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng đang gia tăng.