Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa thông báo kết quả xếp hạng các địa phương về công tác Quản lý an toàn thực phẩm nông lâm sản năm 2019, nhất bảng thuộc về Hà Nội.
Chỉ cần giơ điện thoại lên và check
Việc đánh giá các địa phương dựa trên bộ tiêu chí gồm: Chỉ đạo, điều hành công tác quản lý an toàn thực phẩm; Tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; Giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; Tăng cường năng lực công tác quản lý an toàn thực phẩm; Xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
Nếu như năm 2018 Hà Nội chỉ xếp thứ 10 với 83/100 điểm thì năm 2019 vọt lên với 91,5 điểm. Nằm trong nhóm triển khai tốt có 16 địa phương, còn lại thuộc về nhóm triển khai đạt yêu cầu, có 2 địa phương chưa nhận được gửi hồ sơ lên. Hãy cùng NNVN tìm hiểu lý do tại sao Hà Nội lại đạt ngôi “quán quân”.
Trước tiên, chỉ riêng trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã ban hành tới 128 văn bản hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (ATTP) để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn cũng như các lễ, tết, hội chợ. Nhằm trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm các cấp nhất là ở cơ sở, đơn vị đã tổ chức 66 lớp tập huấn cho 5.230 lượt người…
Công tác phát triển các chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho thành phố được đánh giá là một nhiệm vụ trọng tâm.
Qua đó, đã xây dựng và phát triển được 766 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 227 chuỗi, tăng 41,8% so với năm 2018) trong đó có 259 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Riêng Hà Nội duy trì và phát triển 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong đó 55 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 83 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Để củng cố niềm tin cho người tiêu dùng, Sở đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) xây dựng cung cấp giải pháp, phần mềm sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”. Hoàn thành “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền check.gov.vn.
Đến nay, đã cấp mã tài khoản quản trị cho 2.718 cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn. Đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 867 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia www.check.gov.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 7.228 mã sản phẩm trong đó có hơn 1.026 mã sản phẩm có nguồn gốc của 34 tỉnh, thành.
Giảm 27% số mẫu vi phạm
Hoạt động lấy mẫu, giám sát chất lượng, ATTP được tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao. Các đơn vị của Sở đã tiến hành kiểm tra, giám sát và lấy 4.281 mẫu nông lâm thủy sản.
Trong đó, phát hiện 238 mẫu vi phạm chiếm 5,5%, giảm 27% so với năm 2018 (7,5%). Với những mẫu vi phạm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.
Ngoài ra, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận Chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã sử dụng xe kiểm nghiệm nhanh của Thành phố, xét nghiệm nhanh 450 mẫu sản phẩm nông sản, các mẫu đều âm tính với các chỉ tiêu phân tích về ATTP.
Ngành nông nghiệp Thành phố đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó đã lập danh sách 17.709 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản.
Đã tổ chức thẩm định xếp loại 581 lượt cơ sở, trong đó, cơ sở xếp loại A/B chiếm 92%, cơ sở xếp loại C chiếm 8%. Qua đó đã thực hiện cấp 408 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở được đánh giá xếp loại A/B.
Tổ chức đã ký cam kết được 171.960/186.961 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đạt 92% và 7.036/11.147 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ đạt 63%. UBND các xã, phường, thị trấn đã giao cho cán bộ thú y, bảo vệ thực vật thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giám sát và tổ chức kiểm tra, hậu kiểm chấp hành các nội dung ký cam kết.