QUẢNG NINH Chuyển đổi số đang được coi là giải pháp đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp tại Quảng Ninh

Những năm gần đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã không còn xa lạ với nông dân. Từ những trang trại “chăn nuôi không người”, “trang trại tự động”, “sàn thương mại điện tử”… có thể xem là thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa.

Chuyển đổi số đang được coi là giải pháp đột phá, tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển kinh tế nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm ngoài mang lại tính minh bạch, chính xác trong xuất xứ thực phẩm, mà còn thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và tạo cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh là một trong những đơn vị đi đầu của ngành nông nghiệp Quảng Ninh trong việc nắm bắt xu thế chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh, đơn vị đã xây dựng nhiều nhóm Zalo theo lĩnh vực, nhiệm vụ như Khuyến nông Quảng Ninh, Khuyến ngư, Câu lạc bộ nuôi tôm an toàn, CLB Na QND1… nhằm kết nối, trao đổi một cách nhanh nhất giữa các thành viên trong các nhóm qua việc gửi hình ảnh, video, clip làm cơ sở phân tích và xử lý công việc kịp thời.

Kênh Youtube 'Thú vị nghề nông' là một trong những nền tảng số để chia sẻ kinh nghiệm đến bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và cả nước. 

Kênh Youtube “Thú vị nghề nông” là một trong những nền tảng số để chia sẻ kinh nghiệm đến bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và cả nước. 

Bên cạnh đó, Trung tâm đã thử nghiệm lập kênh Youtube có tên gọi “Thú vị nghề nông” để chia sẻ các video, clip ngắn hướng dẫn kỹ thuật trong nông nghiệp. Đây chính là nền tảng ban đầu trong việc lưu trữ dữ liệu trên Internet để người dân khai thác, tìm hiểu, học tập và tương tác trên không gian mạng. Từ đó, từng bước hoàn thiện để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đến với người dân một cách tối ưu.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai Đề án thí điểm tổng đài tư vấn khuyến nông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhằm giải đáp các vướng mắc của người dân liên quan đến chính sách, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng kế hoạch thông tin truyền thông ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả trong công tác thông tin tuyên truyền và là những dữ liệu căn bản trong công cuộc số hóa ngành nông nghiệp của tỉnh.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã đem lại hiệu quả tích cực.

Hộ gia đình ông Hoàng Văn Cường (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) là một trong những đơn vị chủ động ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh QR-Code để tăng tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.

Nhiều sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh đã xuất hiện trên hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thành

Nhiều sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh đã xuất hiện trên hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Cường cho biết, việc sử dụng mã QR-Code đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể tra cứu các thông tin về sản phẩm, từ đó, hạn chế việc mua phải những nông sản, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Cùng với các đề án chuyển đổi số do Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh thực hiện, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã ứng dụng chuyển đổi số trong việc truy xuất nguồn gốc, thông qua phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/.

Hệ thống góp phần giúp các cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng phát huy quyền giám sát, kiểm tra; dễ dàng xác minh nguồn gốc sản phẩm, phát hiện kịp thời hàng giả, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng.

Đến nay, hệ thống đã cấp tài khoản tham gia quản lý cho 142 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản, với 300 sản phẩm gắn mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Đồng thời, cấp phát 265.000 tem truy xuất và tem xác thực chống giả.

Hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Quảng Ninh ngày càng có bước tiến thuận lợi nhờ chú trọng vào ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Tiến Thành.

Hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Quảng Ninh ngày càng có bước tiến thuận lợi nhờ chú trọng vào ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Tiến Thành.

Đáng chú ý, hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc đang được mở rộng đối với cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm theo chuỗi, các vùng trồng cây chủ lực của tỉnh và các địa phương liên kết tiêu thụ sản xuất an toàn với Quảng Ninh. Hiện nay, sản phẩm của Quảng Ninh đã được đấu nối với “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thực phẩm của thành phố Hà Nội”, liên thông đồng bộ với Bộ NN-PTNT.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của địa phương, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số… Trước mắt, ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng, chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tạo điều kiện, thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, nghiên cứu các công nghệ số, phát triển nền tảng số, hoạt động dữ liệu số, tạo ra các dịch vụ nội dung số về nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số là một xu thế không thể đảo ngược đối với nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là nước có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số sẽ là cơ sở để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các mặt hàng nông sản. 


source

Leave a Comment

Your email address will not be published.