Đất nước ta đã sản sinh ra những doanh nghiệp dân tộc, đủ điều kiện tích lũy tư bản và quản trị để hình thành nên những hạt nhân quan trọng cho nền nông nghiệp số.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ ra mắt Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, diễn ra vào tháng 9/2019 vừa qua. Ảnh: Đinh Tùng. |
Họ sẽ cùng với 14.800 hợp tác xã và 8 triệu họ nông dân tiếp tục viết nên câu chuyện hiện đại hóa “tam nông” trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, nghề nông của chúng ta đang đứng ở thời kỳ hội nhập, nghề nông thời kỳ 4.0 và nghề nông thời kỳ quản trị.
Hơn 30 năm chúng ta chuyển từ một đất nước thiếu ăn sang tự chủ cung cấp thực phẩm cho 100 triệu dân và có nông sản dư thừa để xuất khẩu sang 185 thị trường với tổng kim ngạch hơn 40 tỷ USD.
Thế giới đánh giá rất cao thành tựu đó của Việt Nam, bởi diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở nước ta là 0,25ha, trong khi đó trên thế giới là 0,52ha. Chúng ta tiếp giáp với Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương. Mà Thái Bình Dương là “rốn bão” của thế giới “sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”; địa hình 2/3 là núi.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác, thì năng suất lao động của người nông dân vẫn thấp, đi sâu vào nhiều thân phận thì vẫn là mồ hôi, nước mắt và nghèo; phương thức canh tác cổ truyền vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn.
Thật vô lý khi chúng ta sản xuất 60% sản lượng hồ tiêu của thế giới mà lại để giá rớt thảm như thế này. Một đất nước đứng thứ 3 thế giới về ngành hàng lúa gạo mà bị lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Một đất nước đứng thứ 2 về sản lượng cà phê nhân mà tỷ lệ chế biến chỉ chiếm 11%, giá trị xuất khẩu mỗi năm chỉ 2 tỷ USD là quá ít, trong khi tổng giá trị chuỗi cà phê của thế giới là 300 tỷ USD. Do đó, chúng ta phải có quyết tâm rất cao và tự đặt ra khát vọng lớn để vươn lên.
Trên thế giới, cường quốc nông nghiệp Hà Lan bình quân thu nhập đầu người là 58.000 USD/năm, riêng khu vực nông nghiệp là 62.000 USD. Australia bình quân thu nhập đầu người là 52.000 USD, khu vực nông nghiệp là 58.000 USD/người/năm. Ở Nhật Bản, một người trồng xà lách có thu nhập bình quân 248.000 USD/năm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm gian trưng bày nông sản của doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Nông nghiệp số. Ảnh: Đinh Tùng. |
Còn ở Việt Nam, chỉ tính riêng người dân huyện Yên Thế đã gửi vào ngân hàng 34.000 tỷ đồng. Đây là huyện có 18 triệu con gà. Nếu đi sang huyện Lục Ngạn thì không đếm xuể tỷ phú nông dân. Và ai đó đã vào thăm vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, hay những vùng nuôi tôm, cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thấy, nếu áp dụng khoa học công nghệ hiện đại và quản trị tốt thì nông dân sẽ giàu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngay bây giờ chúng ta phải tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng kết thúc giai đoạn khai thác tài nguyên, phát triển bề rộng, chủ yếu sản phẩm thô, chuyển sang giai đoạn mới, sản xuất hàng hóa quy mô tập trung theo chuỗi giá trị cao, quản trị hiện đại. Muốn làm được điều đó thì một trong những giải pháp quyết định là tận dụng thành tựu của thời đại 4.0.
Công nghệ loài người đạt tới tình độ 4.0, nghĩa là đã đạt trạng thái tích lũy về lượng để chuyển đổi phương thức kinh tế mới, gắn với vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.
Sự ra đời của Hiệp hội Nông nghiệp số thời gian vừa qua (với 500 thành viên, đại diện cho tất cả các ngành hàng) đã gánh trên vai 3 sứ mạng của thời đại để tận dụng tốt nhất thành tựu khoa học công nghệ của quốc tế, cùng với đa dạng sinh học Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, khát vọng Việt Nam để nâng tầm giá trị ngành nông nghiệp.
Sứ mạng đầu tiên là mỗi thành viên trong Hiệp hội phải trở thành nhân tố điển hình nhất, là hạt nhân về ứng dụng tổng thể biện pháp toán học, kỹ thuật số trong hệ sinh thái làm nông nghiệp. Sứ mạng thứ hai là cầu nối tham mưu, tư vấn, kiến nghị để nhà nước hoàn thiện hệ sinh thái quản lý thuận lợi nhất, trong đó có công nghệ nông nghiệp số. Sứ mạng bao trùm thứ ba là tìm ra con đường nhanh nhất để chúng ta bước chân ra một cách vững chắc, đàng hoàng và hiên ngang ở thương trường quốc tế.
Trong 3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng gấp 3 lần (hiện tại có 11.800 doanh nghiệp), chưa bao giờ có trào lưu đầu tư vào nông nghiệp như bây giờ. Rất nhiều doanh nghiệp lớn có đủ điều kiện cả quản trị, khát vọng và văn hóa trách nhiệm với dân tộc.
Lễ tuyên bố ra mắt Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam. Ảnh: Đinh Tùng. |
“Tôi gặp anh Trương Gia Bình (Chủ tịch Tập đoàn FPT) từ năm 2007. Hồi đó, nói về phần mềm thì rất ít người hiểu được. Thế mà bây giờ, chúng ta đã có 500 thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp số, đại diện cho các ngành hàng từ lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, lúa gạo. Đó là điều hết sức phấn khởi, bởi đó là sự biểu hiện của những nhân tố mới trong tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Bộ trưởng cho rằng, tới đây cùng với sự mở cửa và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, chúng ta sẽ phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia có tiềm lực khoa học công nghệ mạnh, có nền công nghiệp phụ trợ tiên tiến và họ là bậc thầy về kỹ năng quản trị.
Do đó, chúng ta phải tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình số hóa nền nông nghiệp, để tạo ra các mô hình nông nghiệp thông minh, tạo ra sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu, giá trị cao và hiệu quả bền vững.