Anh là Vũ Văn Cường (sinh viên năm thứ 5, Khoa Thiết kế cơ khí, ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên).
Bán rau combo
Cường sinh năm 1995 tại làng nghề bánh chưng nổi tiếng Bờ Đậu (xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên). Ngay khi thi đỗ ĐH Công nghiệp, tư duy về một mô hình nông nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao đã thôi thúc anh theo đuổi. Qua tìm hiểu, anh đặc biệt ấn tượng với cách làm nông nghiệp của Israel. Một đất nước có khí hậu khắc nghiệt; đất và nước được coi là tài sản quý báu, là nguồn tư liệu phải chắt chiu từng hạt, từng giọt để tổ chức SX. Vậy mà GDP của người làm nông nghiệp tại Israel vẫn gấp hàng chục lần so với chúng ta. Anh đã đặt ra câu hỏi rằng, chúng ta có tiềm năng lớn về tư liệu, lại được thiên nhiên ưu ái, tại sao chúng ta không làm được như họ?
Nhờ nỗ lực Vũ Văn Cường sớm có được thành quả ban đầu từ mô hình NNCNC |
Năm 2017, Cường vừa theo học năm thứ tư đại học, vừa cùng với hai người bạn, được sự hậu thuẫn từ gia đình, đã tổ chức xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn với diện tích 3.000m2. Chập chững vào nghề nhưng Cường lại gieo trồng cùng lúc nhiều loại rau. Anh lý giải, có thể sẽ có những vấp váp ban đầu nhưng làm nông nghiệp thì không thể tránh khỏi rủi ro. Kỳ thực, việc trồng đa dạng các loại rau xanh đã xuất phát từ ý tưởng ban đầu của nhóm.
Đó là thực hiện việc cung ứng hàng theo combo đã được thỏa thuận với khách hàng. Theo đó, rau các loại như cải ngọt, cải canh, bắp cải, xu hào, mùi, ớt, sả, gừng… mùa nào thức nấy, nhà lưới của Cường đều đáp ứng được nhu cầu thay đổi chủng loại ra xanh cho thực khách.
Hiện tại, Cường đã ký hợp đồng cung ứng rau với 50 hộ gia đình theo tháng. Mỗi tháng, các gia đình phải trả số tiền 450.000đ. Đều đặn, mỗi ngày một lần, trên đường xuống thành phố đi học, Cường lại mang rau đến từng hộ gia đình với các loại rau được thay đổi liên tục.
Khách hàng đánh giá cao chất lượng rau an toàn của Cường, nhiều người tìm đến để đặt hàng, một số siêu thị cũng muốn bao tiêu sản phẩm nhưng anh không dám ký thêm hợp đồng. Cường lo lắng không đảm bảo được sản lượng cung ứng. Từ thực tế đó, anh quyết tâm thực hiện việc tự động hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Chăm sóc cây bằng điều khiển từ xa
Sau khi đã tính toán kỹ lưỡng, tháng 2/2018, Cường quyết định đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa lưới. Vì không còn tư liệu nên anh phải lên tận thị trấn Đu (huyện Phú Lương), cách xa nhà 12km để dựng nhà SX. Nhà màng mang tính thử nghiệm của Cường chỉ vỏn vẹn 200m2 nhưng lại trồng được 500 gốc dưa lưới. Điều đặc biệt là toàn bộ thiết kế của nhà SX đều do anh tự nghiên cứu và chế tạo.
Học thiết kế cơ khí nên anh cho dựng khung nhà lắp ghép, không sử dụng mối hàn, mọi vật liệu đều có thể tận dụng và di chuyển dễ dàng. Anh viết phần mềm cho hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống pha dinh dưỡng, che nắng, quạt đối lưu, hệ thống chiếu sáng…
Cường cho đặt một máy tính tại nhà màng, liên tục kết nối để báo về điện thoại di động của anh tất cả các dữ liệu, chỉ số liên quan đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Vậy là ngay cả khi đang làm vườn ở Cổ Lũng, đi giao hàng hay trên giảng đường thì chàng sinh viên vẫn có thể điều khiển từ xa để chăm sóc cho dưa lưới trong nhà màng.
Ảnh: Đ.V.T |
Tổng giá trị đầu tư xây dựng nhà màng chỉ 110 triệu đồng. Theo Cường, ngoài hệ thống điều khiển tự động do tự anh viết ra thì chi phí để có một nhà màng như vậy trên thị trường phải lên tới trên 200 triệu.
Giống dưa anh chọn trồng là Taki ruột cam, được nhập hạt giống từ Nhật Bản, cho quả giòn, ngọt, thơm, một trong những loại dưa nổi tiếng tại đất nước mặt trời mọc. Ngay trong vụ đầu tiên, sản phẩm dưa lưới của Cường đã được người tiêu dùng đón nhận. Một số siêu thị sau khi nhận chào hàng đã yêu cầu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Hiện Cường đang chăm sóc vụ dưa thứ 2 với hợp đồng bao tiêu đã ký trước. Theo đó, với 500 gốc dưa, cho sản lượng ước đạt 7 tạ, có giá 42.000đ/kg thì giá trị của vườn dưa 200m2 đã cho Cường khoản thu xấp xỉ 30 triệu. Trừ đi chi phí đầu tư, anh có lãi trên 20 triệu.
Với thành công bước đầu và hứa hẹn nhiều triển vọng, Cường ấp ủ sẽ mở rộng quy mô của nhà màng. Trên thực tế, phần mềm điều khiển của anh được viết ra cho nhà màng có diện tích 5.000m2. Việc dựng nhà màng 200m2 chỉ là thử nghiệm bước đầu. Cường cũng dự định sẽ trồng thêm một số loại cây trồng mới, có giá trị cao như dâu tây, bí ngồi, đậu bắp…
Ông Lý Văn Chỉnh (thị trấn Đu, huyện Phú Lương) là bác của Cường cho anh mượn đất để làm nhà màng cho biết, thấy cháu đầu tư cầu kỳ, tốn kém thì cũng lo lắng nhưng lúc chứng kiến dưa lớn nhanh, giá cao, qua hạch toán thấy khả năng thu hồi vốn tốt nên cũng yên tâm.
Chị Vũ Thị Hương Giang (Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Lương) nhận xét, mô hình sản xuất của đoàn viên Vũ Văn Cường đã được đoàn thanh niên huyện coi là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu. Huyện đoàn đã xây dựng kế hoạch nhằm hỗ trợ những đoàn viên có ý tưởng và thực hiện việc khởi nghiệp có triển vọng. |