10-52-57_2
Chàng trai tốt nghiệp đại học công nghiệp về quê làm nông nghiệp CNC

Nói về quãng thời gian làm việc tại Nga, Tuấn Anh cho biết, công việc bên trời Âu ổn định nhưng thu nhập không hơn làm công nhân ở Việt Nam là bao. Tuy nhiên, 3 năm làm nông nghiệp tại một trang trại của người Việt ở Nga giúp anh vỡ vạc ra nhiều điều. Từ đó, Tuấn Anh muốn đem những gì mình trải nghiệm được ở xứ sở Bạch Dương về quê ứng dụng.

“Tôi sang đó cũng làm nông nghiệp nhưng là nông nghiệp công nghệ cao (CNC), chủ yếu sản xuất rau trong nhà kính, hạn tối đa việc sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học. Từ đó, bản thân tôi cũng học hỏi được nhiều điều về cách sản xuất ra nông sản an toàn cũng như tiếp thị sản phẩm. Tôi quyết chí về quê khởi nghiệp và điều đầu tiên tôi nghĩ tới đó là đem sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng”, Tuấn Anh tâm sự.

Năm 2013, sau khi về nước, để tích lũy vốn, Tuấn Anh tiếp quản công việc của gia đình mình. Mỗi năm, từ công việc làm mạ khay, máy cấy, máy gặt lúa, Tuấn Anh cũng lãi ròng trên dưới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ được khoảng vài năm sau, công việc ít dần, nguồn thu cũng giảm. Năm 2016, Tuấn Anh tích tụ đất được 0,7ha đất gần nhà để chính thức hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp CNC của mình. Với khu nhà lưới rộng 0,7ha, mùa nào thức ấy, Tuấn Anh trồng dưa kim hoàng hậu, hoa ly, hoa đồng tiền, cà chua ghép, mỗi năm cho lãi ròng gần nửa tỷ đồng.

10-52-57_3
Trại nông sản sạch được lắp thiết bị tưới nhỏ giọt

Đến năm 2017, sau khi đi tham khảo nhiều nơi, để tăng nguồn lực đầu tư, Tuấn Anh vận động bạn bè thành lập HTX NNCNC Lâm Anh. Từ đây, nhà lưới được đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt Israel. Nhờ tự mày mò lắp đặt, chi phí của hệ thống tưới nhỏ giọt được giảm đến mức tối đa. Hệ thống tưới nhỏ giọt không những giảm được lượng nước tưới, giảm công chăm sóc mà còn giúp tiết kiệm nhân công, lượng chất dinh dưỡng bổ sung cho cây trồng nhanh, hợp lý.

HTX không chỉ sản xuất mà còn kinh doanh các mặt hàng rau, củ, quả, làm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Nguồn nông được sản xuất trong nhà lưới, nhờ đảm bảo an toàn nên được nhiều chuỗi cửa hàng rau, củ, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, TP Vinh hợp đồng thu mua.

Thời điểm cuối tháng 2/2019, khi cà chua tại nhà lưới của HTX NNCNC Lâm Anh chỉ còn vài lứa thu hoạch quả cuối cùng, dù giá cà chua trên thị trường chỉ khoảng 7 – 8 nghìn đồng/kg nhưng Lâm Anh vẫn được các cửa hàng, tư thương thu mua tận vườn với giá trên dưới 15 nghìn đồng/kg. Lý giải điều này, Tuấn Anh cho rằng, HTX đã tìm được một số lượng khách hàng tiềm năng và chung thủy, luôn tin tưởng nhà sản xuất.

Vừa ngắt quả cà chua chín mọng trên cây, vừa đưa lên miệng cắn ăn ngon lành, Tuấn Anh nói như để chứng minh độ an toàn của sản phẩm: “An toàn là tiêu chí sản xuất của trang trại chúng tôi bởi chỉ có an toàn mới là phương thức canh tác bền vững và níu chân được người tiêu dùng. Ở đây, chúng tôi chủ yếu bón phân mục, phân bò ủ men vi sinh, phân cá cho cây trồng, không phun các hóa chất độc hại nên sản phẩm thực sự đem đến sự yên tâm cho người tiêu dùng”, Tuấn Anh chia sẻ.

10-52-57_4
Tuấn Anh tạo ra nông sản an toàn

Tuấn Anh cho biết thêm, từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm HTX sản xuất được 2 vụ dưa Kim hoàng hậu với sản lượng khoảng 21 tấn, thu về 600 triệu đồng, lãi ròng trên 400 triệu đồng. Từ tháng 10 đến tháng 2, từ trồng cà chua ghép, hoa ly, đồng tiền cũng lãi khoảng 200 triệu đồng nữa. Ngoài ra, tham gia lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp cũng đem về cho HTX lãi rong vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Nói về dự định năm 2019, Tuấn Anh cho biết HTX đang tiến hành tích tụ đất và sẽ trồng thêm 0,5ha đào cảnh để cung cấp cho thị trường tết. Thời gian tới, trang trại của HTX dự định sẽ đón các đoàn tham quan của các trường học trên địa bàn.

 


source

Leave a Comment

Your email address will not be published.